Xét trên khía cạnh thể thao, bảng E của vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar có thể được coi là “bảng tử thần”, nhưng nhắc tới quan hệ chính trị quốc tế, bảng B tạo ra thêm sự hấp dẫn và khó đoán của giải đấu.
“Một nhóm chuyên trách của Mỹ được thành lập trước trận đấu với Iran để xác định xem cần ứng xử ra sao trong trận đấu, có triển vọng đàm phán mới nếu trận đấu kết thúc với kết quả hòa hay không và việc trao đổi áo đấu có vi phạm lệnh trừng phạt hay không”, chuyên gia người Iran, Ali Vaez hiện đang ở Mỹ, nói đùa khi quá trình bốc thăm chia bảng hoàn tất hồi tháng 4/2022.
Đội tuyển Mỹ gặp đội tuyển Iran ở bảng B là cuộc đấu khó lường và có ý nghĩa địa chính trị lớn nhất tại World Cup 2022. Nhưng hai đội tuyển còn lại của bảng B cũng rất đáng chú ý.
Anh và xứ Wales là một phần trong “quốc gia có chủ quyền” của Vương quốc Anh. Xứ Wales không muốn bị Anh vượt qua một cách dễ dàng.
Xét trên khía cạnh thể thao, bảng E của vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar có thể được coi là “bảng tử thần”, nhưng nhắc tới quan hệ chính trị quốc tế, bảng B tạo ra thêm sự hấp dẫn và khó đoán của giải đấu, theo Indian Express.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng kể từ năm 1979, khi Cuộc cách mạng Iran biến quốc gia trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo.
Sau sự kiện đám đông các sinh viên tràn vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt giữ các con tin, Washington đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Năm 2002, Mỹ đưa Iran vào “trục ma quỷ”, cáo buộc Tehran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, dẫn đến thêm những lệnh trừng phạt mới.
Ở Trung Đông, Iran tạo ra mối đe dọa thường trực với các lực lượng Mỹ đóng quân ở Iraq và Syria.
Năm 2020, hai quốc gia đứng trên bờ vực xung đột quân sự khi Mỹ sát hại thiếu tướng Iran Qasem Soleimani, để đáp trả vụ Iran phóng tên lửa nhằm vào căn cứ Mỹ ở Iraq.
Với bối cảnh như vậy, trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Mỹ và ĐT Iran diễn ra vào ngày 29/11 mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng.
Xét về lịch sử đối đầu, Iran từng đánh bại Mỹ tại World Cup năm 1998. Trong trận đấu năm đó, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamene ra lệnh không cho phép các cầu thủ Iran bước về phía các cầu thủ Mỹ để bắt tay. Phía Mỹ sau đó đồng ý để các cầu thủ Mỹ tiến tới bắt tay cầu thủ Iran.
Sau chiến thắng năm đó, người dân Iran đã đổ ra đường ăn mừng một cách cuồng nhiệt.
Dù không mang tính chất căng thẳng như trận đấu giữa ĐT Mỹ và ĐT Iran, ĐT Xứ Wales đã khẳng định sẽ không dễ dàng để ĐT Anh đánh bại.
Đây là lần đầu tiên ĐT Xứ Wales lọt vào vòng chung kết World Cup sau 64 năm và không muốn trở thành cái bóng của người hàng xóm.
“Chúng tôi không chờ đợi 64 năm, đi nửa vòng Trái đất tới thi đấu để người hàng xóm tiễn về nước. Họ luôn nói chúng tôi yếu kém hơn nhiều, hãy chờ xem”, diễn viên, nhà sản xuất, nhà hoạt động chính trị Xứ Wales, Michael Sheen nói.
Bảng B không phải là bảng duy nhất có những cuộc đối đầu mà ý nghĩa vượt ra ngoài khía cạnh thể thao, theo Indian Express.
Tại bảng C, ĐT Mexico gặp ĐT Argentina, hai quốc gia từng có giai đoạn thuộc Đế chế Tây Ban Nha, chia sẻ các yếu tố về văn hóa, lịch sử. Hai quốc gia có sự cạnh tranh lớn về bóng đá và đều do các chính phủ cánh tả lãnh đạo.
Tại bảng D, ĐT Pháp và ĐT Úc đối đầu nhau. Năm ngoái, Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân cho Pháp chế tạo để quay sang ký hợp đồng đóng tàu với Anh và Mỹ. Quyết định này đã khiến chính phủ Pháp hết sức bất ngờ và bày tỏ sự phẫn nộ.
Tháng 6/2022, Úc có động thái hàn gắn quan hệ khi thống nhất khoản tiền bồi thường 584 triệu USD với Pháp vì đã đơn phương phá vỡ hợp đồng.
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã kêu gọi 32 quốc gia tham gia tranh tài ở Qatar hãy “tập trung vào bóng đá” và “tạm gác chính trị sang một bên”. Nhưng với các cổ động viên cuồng nhiệt, điều này không đơn giản như vậy, theo Indian Express.